Trận cầu Thống Nhất và những con người lịch sử

Sau ngày 30-4-1975 lịch sử, Việt Nam bước vào giai đoạn hàn gắn vết thương chiến tranh, tái thiết đất nước. Thể thao và đặc biệt là bóng đá, môn được cả hai miền Nam, Bắc yêu thích, được chọn là một trong những cầu nối “chiến lược”.

Cựu danh thủ Mai Đức Chung, người khi đó mới 25 tuổi, bồi hồi nhớ lại: “Bao nhiêu năm đất nước bị chia cắt như thế, bây giờ vào đá cho đồng bào miền Nam xem thì vinh dự lắm. Hơn nữa, là cầu thủ, ai cũng muốn được so giày với các đồng nghiệp nổi tiếng như thủ môn Công Hoàng “bay như vượn”, “bức tường thép” Phạm Huỳnh Tam Lang...”.

Còn với khán giả miền Nam, họ cũng muốn xem “diện mạo” của bóng đá miền Bắc như thế nào vì trước đó, các chiến tích của làng cầu phía Bắc rất ít được biết đến trên truyền thông do chỉ thi đấu cùng các nước thuộc khối Xã hội chủ nghĩa.

Sau giải phóng, đời sống bóng đá đã nhanh chóng được khôi phục. Ngày 20-5-1975, có trận bóng đá đầu tiên do Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định tổ chức để chào mừng sinh nhật Bác Hồ. Rồi 3 tháng sau đó, thành phố đã xuất hiện các đội bóng đá mà tên tuổi của họ đều đã đi vào lịch sử như Hải quan, Ngân hàng, Cảng Sài Gòn, Công nhân hóa chất, Tổng cục Vật tư, Lương thực Thực phẩm. Ngày Quốc khánh 2-9-1975, trận đấu “thời kỳ mới” giữa Hải quan và Ngân hàng được tổ chức để phục vụ người dân.

Năm 1976, Tổng cục TDTT (nay là Cục TDTT Việt Nam) được giao nhiệm vụ quan trọng: Tổ chức chuyến thi đấu giao hữu giữa một đội bóng miền Bắc với các đội bóng phía Nam. Sau nhiều cân nhắc, đội Tổng cục Đường sắt (TCĐS) - vừa đăng quang giải Công đoàn phía Bắc - đã được chọn.

Khi ấy TCĐS đang đứng thứ hai giải vô địch miền Bắc, sau Thể Công và sở hữu nhiều gương mặt nổi bật như: Phạm Kỳ Thụy, Mai Đức Chung, Lê Thụy Hải, Lê Khắc Chính, Minh Điểm, Hoàng Gia... Đặc biệt, việc cử đội bóng đại diện ngành đường sắt vào Nam càng có ý nghĩa, khi một tháng sau đó, ngày 31-12, hai đoàn tàu cùng mang tên Thống Nhất xuất phát tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn, chính thức nối liền con đường Bắc-Nam.

%6c.jpg
Trận đấu giữa hai đội Tổng cục Đường sắt (áo đen) và Cảng Sài Gòn (áo trắng) trên sân Thống Nhất (TPHCM) vào ngày 7-11-1976. Ảnh: Tư liệu

Và ngày chủ nhật 7-11-1976 đi vào lịch sử bóng đá nước nhà khi tại sân Thống Nhất, “trận cầu thống nhất” đã được diễn ra với “đội khách” là Tổng cục Đường Sắt, còn chủ nhà chính là Cảng Sài Gòn. Cảng Sài Gòn nổi tiếng với bề dày truyền thống ở miền Nam khi đó, quy tụ các hảo thủ từng chinh chiến các giải đấu quốc tế như Phạm Huỳnh Tam Lang, Lê Văn Tư, Lê Đình Thăng, Nguyễn Tấn Trung...

Hôm ấy, dường như cả thành phố đổ về sân vận động mới được đổi tên là Thống Nhất. Dù 19 giờ trận đấu mới bắt đầu, nhưng các khán đài đã chật kín từ trưa. Hơn 3 vạn người đến sân, tràn cả xuống đường pitch. Không khí sôi động như một ngày hội lớn, nhiều người leo lên cột đèn, cây cao để theo dõi. Trận đấu khép lại với tỷ số 2-0. Mai Đức Chung và Lê Thụy Hải là những người ghi bàn cho TCĐS.

Ông Mai Đức Chung kể lại: “Khi ra sân Thống Nhất tập buổi đầu tiên, khán giả ùa vào sân cứ sờ chân, sờ đùi cầu thủ rồi khen các chú trẻ khỏe thế này, đẹp trai thế này, to cao thế này mà người ta cứ bảo người miền Bắc gầy còm lắm. Chúng tôi lúc đó cũng quen thi đấu quốc tế rồi, từng sang CHDC Đức, Liên Xô hay Bulgaria… nhưng vẫn không tưởng tượng được cảnh khán giả tràn xuống cả đường piste như trận đấu hôm ấy”.

Điều đặc biệt hơn, rất nhiều con người của trận đấu lịch sử đó sau này là chứng nhân của lịch sử bóng đá TPHCM và Việt Nam. Trung vệ Phạm Huỳnh Tam Lang đã đưa Cảng Sài Gòn vô địch Việt Nam năm 1986, chức vô địch đầu tiên của bóng đá phía Nam. Danh thủ Lê Thụy Hải là người đầu tiên vô địch Việt Nam trên tư cách cầu thủ và HLV, còn ông Mai Đức Chung đã trở thành huyền thoại khi đưa đội tuyển nữ Việt Nam dự World Cup 2023.

Khởi nguồn từ trận đấu ấy, đến năm 1977, là sự ra đời của giải đấu Hồng Hà (giải vô địch các đội phía Bắc), giải Trường Sơn (giải vô địch các đội miền Trung) và giải Cửu Long (giải vô địch các đội phía Nam) cho đến năm 1980, giải vô địch Việt Nam thống nhất đầu tiên được ra đời…

Tin cùng chuyên mục